Kỳ 1: Lợi ích từ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị, các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh ta có 28 đơn vị hành chính cấp xã chịu tác động của việc sắp xếp. Mặc dù Thái Bình đã có kinh nghiệm sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 song đây là chủ trương lớn, tác động đến nhiều lĩnh vực nên cần quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy).
Giai đoạn 2019 - 2021, Thái Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Bộ máy tinh gọn, biên chế tinh giản, tiết kiệm ngân sách nhà nước, tạo điều kiện huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) là đơn vị hành chính mới được sáp nhập từ thị trấn Diêm Điền (trước đây) và 2 xã Thụy Hà, Thụy Lương. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, sau 4 năm thực hiện sáp nhập, thị trấn Diêm Điền không chỉ có quy mô diện tích và dân số lớn mà đang phát triển mạnh mẽ, xứng tầm đô thị hướng biển hiện đại.
Ông Lê Xuân Quy, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Sau sáp nhập, số lượng cán bộ, công chức của thị trấn giảm từ 60 người xuống còn 23 người. Cùng với sắp xếp lại tổ chức, bộ máy hành chính bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ưu tiên chuyển đổi các loại giấy tờ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Được sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, các nhiệm vụ chính trị của địa phương đều hoàn thành tốt và đạt được nhiều kết quả toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm (2020, 2021, 2022) của thị trấn đạt 13,36%/năm; riêng năm 2023 tổng giá trị sản xuất đạt 3.770 tỷ đồng, tăng 20,37% so với năm 2022. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Thị trấn hiện có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị đồng bộ với nhiều dự án trọng điểm của trung ương, của tỉnh, của huyện đầu tư xây dựng, là vùng trọng điểm phát triển của Khu kinh tế Thái Bình. Sắp xếp đơn vị hành chính đối với thị trấn Diêm Điền là tất yếu khách quan, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong quy hoạch là vùng lõi quan trọng phát triển đô thị của Thái Thụy giai đoạn 2030 - 2035.
Xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy) cũng là địa phương được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Thái Dương, Thái Hồng, Thái Thủy giai đoạn 2019 - 2021.
Theo ông Bùi Văn Bẩy, Chủ tịch UBND xã: Khi sắp xếp đơn vị hành chính, các địa phương đều xác định vấn đề mấu chốt là cán bộ, đảng viên phải thông, người dân phải hiểu và đồng thuận, vì vậy đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sáp nhập. Và thực tế 4 năm qua đã chứng minh khi 3 xã sáp nhập lại không chỉ mở rộng địa giới hành chính, tăng quy mô dân số, tinh gọn bộ máy mà còn tập trung nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển kinh tế vùng, hình thành các mô hình kinh tế lớn, hạn chế tình trạng phát triển sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu quy hoạch. Đến nay, hệ thống giao thông kết nối, cơ sở hạ tầng của địa phương được bổ sung đầu tư xây dựng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Nội bộ trong Đảng, chính quyền đoàn kết, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Minh chứng rõ nhất là tốc độ phát triển kinh tế bình quân từ đầu nhiệm kỳ đến nay của Dương Hồng Thủy luôn đạt trên 10%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,58%. An sinh xã hội được bảo đảm, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong hệ thống chính trị được tăng cường, đội ngũ cán bộ, công chức làm việc có trách nhiệm, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Người dân tới giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Minh Quang (Kiến Xương).
Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế
Có thể khẳng định, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 là chủ trương phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện chế độ cải cách tiền lương. Sau hơn 4 năm, bộ máy hành chính ở các xã đã được sắp xếp ổn định và vận hành khá hiệu quả, hiệu lực tốt hơn. Thông qua sắp xếp đã tạo ra đợt rà soát, đánh giá, sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức tinh và gọn hơn. Đặc biệt, trong quá trình sắp xếp, cán bộ, công chức có ý thức trách nhiệm, chủ động học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao hơn. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội quy tụ, tập trung được sức mạnh, chỉ đạo, điều hành rõ nét hơn, nhất là phát huy được vai trò người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Một yếu tố tích cực nữa được cơ sở nhấn mạnh đó là qua sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, giảm chi phí hành chính, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Sau sáp nhập, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) quan tâm, chú trọng.
Theo ông Phạm Văn Nghiêm, Giám đốc Sở Nội vụ: Quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, Thái Bình đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương và được nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết thống nhất cao khi thực hiện phương án sắp xếp. Phải xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm đúng quy định; phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị; bảo đảm nghiên cứu kỹ các yếu tố lịch sử, phong tục tập quán, văn hóa của từng địa phương. Phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm kịp thời, đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tế để thực hiện tốt công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp và giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang (Kiến Xương) cho rằng: Theo tôi, yếu tố mấu chốt thực hiện thành công việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy được vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; làm tốt công tác tư tưởng tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức; ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính, các công việc liên quan đến quyền lợi của nhân dân; tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự ổn định về an ninh chính trị. Sau khi sáp nhập Minh Hưng và Quang Hưng thành xã Minh Quang, xã đã được đầu tư hệ thống giao thông, nâng cấp cơ sở vật chất cải thiện điều kiện làm việc cũng như việc bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức ổn định nên tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và đạt được những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, Đảng bộ xã được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chính quyền nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh.
Những kết quả và bài học kinh nghiệm trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 sẽ là tiền đề quan trọng để Thái Bình triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị, các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Nguồn sưu tầm