CÁC QUY TRÌNH TẠO NÊN SẢN PHẨM ĐŨI NAM CAO
Ngày 07/07/2023

07.7.2023

CÁC QUY TRÌNH TẠO NÊN SẢN PHẨM ĐŨI NAM CAO

1. Nguyên liệu:

Nguyên liệu Dệt đũi xã Nam Cao chủ yếu là sản phẩm từ Kén tằm.

 Từ Kén tằm người dân tạo ra các sản phẩm như : Tơ (sảm phẩm này ở đây người dân không tự làm được mà phải nhập từ nơi khác về), đũi, nái, sồi…

Tùy theo chất lượng của Kén tằm mà người thợ phân loại, xử lý theo các quy trình khác nhau để cho ra các sản phẩm khác nhau.

Nguồn nguyên liệu Kén tằm được người dân mua từ xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình và một số tỉnh lân cận như Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương… Kén được thu mua, phân loại sau đó giao, bán cho các hộ để tạo ra các sản phẩm (đũi, nái, sồi…). Căn cứ vào khả năng tạo ra các sản phẩm, các gia đình sẽ thu mua lại các sản phẩm (tơ, đũi, nái..) để về chế biến để tạo nên các tấm tơ lụa… Nhiều khi nguyên liệu (tơ, đũi, nái..) do yêu cầu của chất lượng sản phẩm tại đây không đáp ứng được vì vậy mua ở các nơi khác và một số nguyên liệu phải nhập khẩu.

2. Công cụ chính:  Khung cửi, tha, vầy, chân quạng, bàn xe, bàn mắc, bàn cán, suốt, mô tơ, go, bìa, nồi nấu sợi, chậu kéo sợ, guồng quay, bàn xe, các vật liệu có sẵn...

2.1. Công cụ để tạo nên nguyên liệu: Đũi, nái, sồi.

Người thợ tận dụng mọi dụng cụ sẵn có, như: Nồi, các tấm nan tre, sào tre, gạc tre, rơm, rạ …để tham gia vào các công đoạn để tạo nên nguyên liệu.

2.2. Guồng quay sợi

 Guồng quay sợi dùng để tạo nên các vun sợi.

Guồng được làm từ các vật liệu có sẵn, như: Tre, gỗ, sắt. Một số guồng quay đã có sự hỗ trợ từ máy móc thay cho việc phải quay tay.

Cấu tạo của guồng quay sợi gồm 3 bộ phận chính, gồm: Khung, trục guồng (nơi taọ ra các vun sợi), con đưa (tạo cho sợi các vun sợi tạo thành nếpđan xen nhau tránh được sự rối của vun sợi). Các bộ phận này có thể tháo rời, lắp ghép, dễ sửa chữa và có tính liên hoàn khá cao (một động tác có thể sử dụng vào nhiều việc khác nhau).

Tùy theo yêu cầu của sản phẩm mà người dân tạo ra các guồng quy sợi có kích thức khác nhau, như: độ rộng, hẹp, số lượng vun sợi được tạo ra… Qua hệ thống này các vun sợi được tạo ra và đảm bảo yêu cầu: đều, không vón sợi, tạo nên các lớp đan chéo, không đứt đoạn… để đảm bảo cho các công đoạn tiếp theo vun sợi không bị co rút, rối rắm…

2.3. Bàn xe sợi.

Bàn xe sợi dùng để xe 2 hay nhiều loại sợi với nhau (thường là xe tơ với tơ, nái với tơ, đũi với đũi …). Sợi sau khi xe được tạo thành các vun sợi để sau này tham gia vào quy trình tạo sợ ngang.

Bàn xe sợi được làm từ gỗ, tre, sắt… có độ rộng 1m2 đến 1m5, dài 2m. Trước đây hoạt động của Bàn xe sợi hoàn toàn bằng thủ công (quay tay), hiện nay đã có sự hỗ trợ của máy móc.

Bàn xe sợi là một hệ thống liên hoàn, chỉ một động tác quay tay thông qua trục chính mà toàn bộ các hệ thống xe sợi, guồng sợi … cùng hoạt động.            

2.4. Nấu, tẩy sợi.

Với các dụng cụ như: Nồi nấu sợi (nồi nhôm, đồng có thể chứa 50 đến 70 lít nước); bếp lò; nguyên liêụ đốt lò: than, củi, rơm…; nồi hấp… từ nguyên liệu ban đầu là các sợi tơ, đũi, nái… (đã được guồng thành vun) có mầu sắc thâm, xỉn, còn chứa nhiều tạp chất hữu cơ … sau các quá trình: Ngâm, nấu, tẩy… và có tác động bởi một số chất tẩy rửa, sợi đã có màu sắc sáng đục, mềm mại hơn.

Media/151_NamCao/FolderFunc/202307/Images/lang-nghe-2-20230706033953-e.jpg

2.5. Tha đánh sợi

Được làm từ gỗ, tre, sắt, tha đánh sợi tạo nên các ống, suốt sợi để tham gia vào công đoạn mắc cửi, xe sợi, dệt cửi…

 Qua động tác quay tay (hiện nay đã có sự hỗ trợ của máy móc) thông qua một trục, dây cô roa… hệ thống làm quay một trục để tạo nên các ống, suốt sợi.

Tham gia cùng hoạt động này còn có các dụng cụ như: Chân quạng, vầy… Các dụng cụ này với các vai trò khác nhau, như: sanh, dàn, đỡ… các vun sợi để quá trình tìm mối, tạo nên các ống, suốt sợi được dễ dàng và thuận lợi hơn.

2.6. Bàn mắc cửi.

Bàn mắc cửi được làm từ gỗ, tre, sắt dùng để tạo nên các trục sợi dọc (mỗi trục sợi rơi vào từ 200 sợi dọc đến 6000 sợi dọc tùy theo khổ vải).

Các ống sợi dọc (được tạo nên từ than đánh sợi) được dàn trên dàn ống, và các sợi dọc được chui qua hệ thống bìa (để tạo độ đều giữa các sợi) và được trục đều thông qua một guồng sợi (có chu vi khoảng 4m). Tùy thuộc vào nhu cầu của các hộ dân mà người thợ mắc cửi sẽ xác định được chiều dài của các sợi dọc (thông thường độ dài vào khoảng 600m). Từ guồng sợi, các sợi dựng được trục thành các trục sợi để bàn giao cho các hộ dân.

2.7. Khung cửi .

Có nhiều loại, như: Khung cửi tay (hoàn toàn thủ công thô sơ), khung cửi tay co và khung cửi máy (có sự hỗ trợ của máy móc).  

Có thể nói: Khung cửi là một sản phẩm hội tụ nhiều nét tinh hoa của làng nghề. Sự độc đáo, tinh xảo, bí quyết … được thể hiện qua sản phẩm này. Việc làm ra khung cửi thì có nhiều người làm được, song việc vận hành, tạo, điều chỉnh, sửa các lỗi kỹ thuật thì chỉ số ít người làm được (gia truyền).

Căn cứ vào loại sản phẩm mà người ta sử dụng các loại khung cửi khác nhau ( độ rộng, hẹp, thủ công hay máy).  Hiện nay các khung cửi có thể tạo ra các sản phẩm có khổ (độ rộng): 32cm, 82cm, 120cm, 150cm…

2.8. Bàn cán tấm.

Sau khi các tấm tơ tằm được dệt xong, để tạo độ mịn người thợ dùng một hệ thống cán để mặt sản phẩm được mịn , đều hơn.

Bàn cán được làm từ gỗ, sắt. Thông qua một trục (bằng gỗ, hoặc sắt) có trọng lượng, người thợ cán qua lại để trục đó cán đều trên sản phẩm.

2.9. Ngoài các công cụ trên, người dân còn tạo ra các dụng cụ khác để hỗ trợ trong quá trình tạo ra các sản phẩm, như: Thước đo tấm, thước đo khuân sợi trên sản phẩm, thước ghim để không bị co ngang sản phẩm ….

3. Mô tả các quá trình làm ra sản phẩm:

3.1. Trồng dâu.

          Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ do Phạm Thị Xuân Dung, sống vào đầu thế kỷ I. Tương truyền bà theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống Hán. Bà Trưng lên ngôi đã phong cho bà làm Phương Dung công chúa. Khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, bà đã cùng 50 người xuôi dòng sông Hồng về vùng hạ lưu và dừng chân khai phá vùng đất bãi sông lập ra làng ThuậnVy, nay thuộc xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư. Từ vùng đất phù sa màu mỡ này bà đã dạy dân trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, kéo kén. Những người cùng theo bà về mở đất đều lấy theo họ Phạm của bà. Sau khi bà mất dân làng Thuận Vy lập đền thờ bà là Tổ nghề dâu, tằm, tơ.

Cây dâu là cây thân mộc, lá có hình trái tim, lớn bằng bàn tay, khi dâu tốt lá lớn bằng bàn tay xòe, màu sắc xanh sáng. Cây dâu trồng trên nương không lớn, thân dâu bằng ngón chân cái. Cây mọc thẳng, lên cao khoảng 50cm mới đâm đọt. Khi dâu ngang đầu người thì mới bắt đầu hái lá. Loại cho tằm ăn là lá bánh tẻ, lá mới lớn, màu xanh lục. Sau mỗi lần hái, những nách lại nẩy đọt non. Cứ mỗi lứa hái xong người ta lại bón phân, tưới nước. Cây dâu sẽ cho lượt lá thứ hai. Lá dâu là thực phẩm duy nhất đối với tằm dâu. Nó ảnh hưởng đến đời sống con tằm và cả trong việc sản xuất tơ. Nhìn sắc tơ óng ánh, mượt mà là hiểu được sự chăm sóc tằm của người nuôi và cả việc trồng dâu.

3.2. Nuôi tằm.

          Trứng tằm được sinh ra từ con ngài. Ngài đẻ trứng trên lớp giấy bồi do bàn tay con người lót. Ngài đẻ một lần hàng trăm trứng nằm đều đặn trên tờ giấy bồi. Chỉ cần giữ trứng trong môi trường và nhiệt độ thích hợp trong vòng 7 ngày là ta có một thế hệ sâu  non - đó là con tằm. Tằm con được bảo vệ và đưa ra cái nong nhỏ, cho tằm ăn lá dâu non đã được xắt nhỏ như sợi thuốc lá. Trong vòng vài ba ngày là tằm sẽ lớn lên bằng tăm hương. Từ một nong tằm con lại phải sang nơi ở mới là những cái nong lớn. Đây là thời chạy ăn cho tằm, tằm ăn rất nhiều lá dâu, lá dâu được hái về hong ráo nước rồi phủ lên mình tằm. Những con tằm bám lấy lá dâu mà xơi, người ta bảo tằm “ăn lên”. Tiếng tằm ăn lá dâu kêu rào rào như một cơn mưa nhỏ. Có lẽ không một con vật nào ăn nhiều như tằm, tằm ăn theo lượng lá dâu mà lớn lên như thổi. Tằm ăn rồi ngủ, cứ mỗi lần ăn rồi ngủ, ngủ rồi thức là tằm được một tuổi - tằm chứng năm tuổi tằm là tằm chín (chừng 25 ngày). Tằm ăn bao nhiêu phải cung cấp bấy nhiêu, càng ăn khỏe càng nhả tơ nhiều. Dù có vất vả chặt dâu cho tằm, nhưng không bao giờ được để tằm đói. Vì để tằm đói 1 hôm cũng làm giảm năng suất tơ. Tằm lớn nhanh nên chỗ nuôi cũng phải tăng theo bằng cách sang ra nhiều nong. Sau thời kì ăn rỗi thì tằm lớn hết cỡ, khi thân tằm từ màu trắng xanh chuyển sang màu vàng lúc đó tằm mới thôi ăn.

          Khi đó người ta đưa tằm lên bổi - hay còn gọi là né. Thời kì rút ruột nhả tơ chừng 3 ngày. Thời kì này phải canh phòng cẩn thận loài ong và nhặng đến phá rối. Tằm tiết ra chất nước quánh màu vàng, nước ra đến đâu là khô tới đó, những sợi tơ ấy bắt đầu giăng lên bủa sợi tơ ngày càng dai quấn và che khuất thân tằm. Tằm nằm trong kén là liên tục nhả tơ, kén ngày một dày thêm, bên trong tằm tự hóa nhộng. Câu ca dao có viết: “Một nong tằm là 5 nong kén”, ý chỉ giai đoạn này, chuẩn bị vào thu hoạch tơ. Chờ cho kén dày hết cỡ người ta mới gỡ kén ra khỏi bổi/né và đưa đi ươm tơ.

3.3. Chọn Kén.

          Người ta nuôi tằm để lấy kén, với cùng một loại kén này có thể tạo thành loại sợi: Tơ, đũi, nái, sồi… to dùng để dệt vải lụa, vải đũi... Kén thì phải đều nhau và đẹp. Muốn muốn được như thế thì công đoạn chăn nuôi phải rất kỹ lưỡng. Lá dâu nuôi tằm phải là lá dâu bánh tẻ, nghĩa là lá không được quá già hoặc quá non. Tằm được cho ăn lá dâu, khoảng 21 ngày thì chín. Khi tằm chín vàng được bắc lên né, chuẩn bị đóng kén. Khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải nong tằm dưới ánh nắng nhẹ sao cho kén khô, để khi ươm tơ kén không bị tan, cho sợi vàng óng. Tổ to dày là tổ kén có chất lượng tốt nhất. Kén cắn tổ, không thể ươm tơ thì được kéo thành sợi đũi. Kén được người dân Nam Cao thu mua về sơ chế tạo thành sợi đũi.

          3.4. Nấu, húi kén.

Để se, kéo được sợi đũi, người nghệ nhân phải ngâm kén cho ngấm khoảng 2-4h sau đó cho vào nồi đổ ngập nước đun sôi kỹ (chỉ dùng nguyên liệu đốt là rơm rạ, không dùng ga) rồi vùi trong tro nắng khoảng 5-7h tùy từng loại kén, kén chín vừa kéo trơn và nhẹ tay, kén sống rất khó kéo và rất nặng tay, kén chín quá thì sợi nẫu ra thành một cái búi rác, không kéo được.

Trước khi bắc nồi kén ra chuẩn bị lấy 1 nắm lá cây ruối cho vào nước vò nát, lọc sạch nước đó và cho vào nồi kén khoảng 2h thì mang giặt sạch kén cho sạch nước keo rồi cho ra phơi khô để kéo dần.

Thường 1kg kén sau khi vùi còn khoảng 7 lạng kén nếu là kén tốt, còn 4 lạng kén nếu kén xấu.

3.5. Rút, se, kéo sợi đũi

Việc se, kéo thành sợi đũi phải thực hiện trong môi trường nước, do vậy với các vật dụng sẵn có như : Chậu nước, phên tre… người thợ tiến hành các động tác rút, se, kéo thành các sợi đũi. Tùy thược vào chất lượng kén và nhu cầu của sản phẩm mà người thợ tiến hành điều chỉnh độ to nhỏ của sợi đũi.

Người thợ chuẩn bị một vật dụng đựng nước (chậu, cong…), phên tre, một vật nặng (như hòn gạch, sỏi…) đè lên phên tre. Sau đó đổ đầy nước sạch vào chậu và cho phên vào và đè vật nặng trên phên tre để tránh phên tre nổi lên . Người thợ dùng tay phải để rút, se, kéo; tay trái giữ tổ kén cho chắc. Đây là qua trình thể hiện sự khéo léo và kinh nghiệm của người dân để tạo nên các sợi đũi đều và đẹp.

Kéo sợi đũi là công đoạn khác biệt nhất so với các công đoạn tạo ra các loại tơ lụa khác và chỉ có ở làng dệt đũi Nam Cao mới có. Công đoạn này phải rút, kéo và se hoàn toàn bằng tay, một tay giữ kén, một tay kéo. Vừa kéo vừa nắn chỉnh sự dày mỏng của sợi sao cho sợi đũi được đều, các mối nối giữa sợi đũi được se chặt, để các công đoạn xử lý tiếp theo không bị đứt đoạn. Song song với việc kéo đũi, người thợ khéo léo loại bỏ các tạp chất (nhân kén, rơm rạ…) để sợi đũi được sạch hơn.

Rút, se, kéo sợi đũi làm hoàn toàn bằng thủ công, với các vật liệu đơn giản, một tay giữ kén, một tay kéo, thuận tay nào kéo tay ấy. Người kéo sợi ngồi trên ghế , trước một cái chậu sành đầy nước và kén, hai tay ngâm trong nước để rút, se, kéo sợi. Kéo xong một mẻ, sợi đũi được cuộn lại thành từng con, mỗi con sợi tương đương một lạng, sau đó người thợ dùng guồng sợi để tạo nên các vun sợi đũi.

Kéo sợi trông đơn giản nhưng vất vả và khó hơn ươm tơ. Hai tay ngâm nước suốt ngày này qua ngày khác. Mùa hè nước ăn tay, phải thường xuyên xát phèn chua, nước vò từ lá ruối, mùa đông tê cóng thỉnh thoảng phải đổ thêm nước nóng. Để ra một thành phẩm nguời thợ không chỉ có những kỹ năng mà chứa trong đó cả cái hồn của nghệ thuật.

Bà Nguyễn Thị Bốn công nhân Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao cho biết: Kéo sợi đơn giản nhưng thực chất rất vất vả, mùa đông hay mùa hè tay luôn ngâm vào nước, ngồi cặm cụi do vậy rất đau lưng mỏi gối. Mỗi ngày cũng chỉ được khoảng 0,7 lạng đũi tính giá trị được khoảng 40.000đ trên ngày, nhưng vì yêu nghề nên tôi không bao giờ bỏ nghề. Từ nhỏ tôi đã biết làm nghề này. Dệt đũi rất công phu, từ khi lấy kén về phải trải qua nhiều công đoạn mới tạo ra được sợi, nhưng tới khu làm ra không bán được, khó cạnh tranh với mặt hàng may công nghiệp, nên nhiều người đã bỏ nghề….

Theo bà Nguyễn Thị Nhuần cho biết : Công việc của chúng tôi bây giờ là kéo sợi, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng ngày nào cũng kéo, tay vừa kéo vừa vê, kéo nhiều thành quen, kéo đến đâu sợi ra đến đấy. Ngày xưa các cụ trồng dâu nuôi tằm để lấy nguyên liệu, cả xã làm nghề này, nhà nào ngày cũng vài chậu kén, nhiều nhà có tới 4-5 khung cửu, thu nhập tính bằng cả tạ thóc mỗi ngày. Cứ về tới đầu làng là nghe thấy tiếng lách cách thoi đưa. Trong làng cứ nhà này nối tiếp nhà kia làm theo các công đoạn, dần dần phát triển mạnh công đoạn dệt nên việc trồng dâu nuôi tằm mất hẳn, nguyên liệu phải đi mua ở các nơi”.

3.6. Se sồi.

Nguyên liệu để se sồi là các tổ kén lỗi, cháy già không thể kéo thành sợi đũi, người thợ tận dụng để rút và se thành các sợi sồi (sợi sồi có chất lượng không bằng sợi đũi).

Việc tạo nên các sợi sồi khác với tạo nên sợi đũi: Người thợ rút và dùng lòng bàn tay vo sợi sồi trên các vật liệu trơn, nhẵn trên môi trường ẩm ướt sau đó dùng guồng sợi để tạo nên các vun sợi sồi.

3.7. Chuẩn bị sợi dọc, sợi ngang.

3.7.1. Chuẩn bị sợi dọc

Nguyên liệu dùng làm sợi dọc cho các sản phẩm thường là: Sợi tơ một, tơ đôi (xe hai sợi tơ), sợi đũi… Các sợi dọc được người thợ dùng tha đánh sợi (mục 2.5) quấn vào các ống sợi (ông bằng giấy, tre, gỗ, sắt…).

Tùy theo số lượng sản phẩm, khổ sản phẩm … bằng kinh nghiệm người thợ có thể xác định được số lương ống sợi dọc và khối lượng sợi dọc.

Sợi đơn: Là kết quả của quá trình xoắn 1 sợi tơ thô. Sợi được xoắn dạng này gọi là sợi nhiễu hay là sợi the xoắn.

Sợi khổ: Là sợi thu được từ quá trình xoắn hai hay nhiều sợi tơ thô.

Sợi xoắn: Là sợi khổ được xoắn chặt.

Sợi xe 2 lần: 2 hay nhiều sợi đơn được se thành một sợi sau đó chúng được chập đôi bằng quá trình xoắn ngược. Phần lớn dùng để dệt dọc.

3.7.2. Chuẩn bị sợi ngang.

Nguyên liệu dùng làm sợi ngang cho các sản phẩm là : Sợi tơ (mộc hoặc đã qua nấu tẩy), sợi đũi (mộc hoặc đã qua nấu tẩy), sợi nái (mộc hoặc đã qua nấu tẩy)

Các sợi ngang được người thợ dùng tha, vầy đánh sợi (mục 2.5) quấn vào các suốt.

3.8. Mắc cửi.

Là quá trình trục các sợi (sợi tơ, sợi đũi, nái…) làm sợi dọc cho các sản phẩm (tấm tơ, lụa…). Mỗi trục sợi có tờ 200 đến 600 sợi dọc.

Người thợ dùng hệ thống bàn mắc cửi (phần 2.6) để tạo nên các trục sợi dọc.

3.9. Dâng cửi:

Là quá trình khớp trục sợi dọc (trục sợi) vào khung cửi, sau đó các sợi dọc được luồn qua các lỗ go, bìa. Có 2 lá go, mỗi lá go có từ 1 đến 2 lớp go, mỗi lỗ go có 1 sợi, riêng hai mép biên thì mỗi lỗ go cơ từ 2 đến 4 sợi dọc đi qua; Mỗi lỗ bìa có 2 sợi dọc ( một sợi của lá go trước, một sợi của lá go sao) đi qua.

3.10. Dệt cửi.

Để tạo ra các sản phẩm, người thợ dùng khung cửi ( mục 2.7) để cho ra sản phẩm.

Đây là công đoạn hết sức quan trọng, yêu cầu người thợ phải phối hợp nhiều động tác, xử lý linh hoạt các tình huống (sợi dọc, ngang đứt, rối; điều chỉnh độ thưa dầy của sản phẩm; các lỗi kỹ thuật như nóng là, rạp, sùi biên…).

3.11. Nấu, nhuộm sản phẩm.

Các sản phẩm (các tấm tơ, lụa, đũi…) sau khi được tạo ra sẽ được tập hợp, thu mua tập trung (tại các cơ sở, doanh nghiệp đầu mối của xã). Tùy theo yêu cầu của từng loại mặt hàng mà chủ cơ sở thu mua tiến hành nấu, tẩy, nhuộm nàu.

3.12. Đóng, gói sản phẩm

Tùy theo yêu cầu của nơi nhận hàng, sản phẩm được đóng theo kiện, súc hoặc các tấm nhỏ để chuyển đến nơi nhận hàng.

Hiện nay tại xã có khoảng 50 mặt hàng khác nhau để đáp ứng cho nhu cầu khách hàng và thị trường.

Sản phẩm được xuất đi các nước, như: Lào, Thái Lan, Ấn Độ…

4. Một số quy trình tham gia vào hoạt động tạo ra các sản phẩm.

4.1. Guồng đũi

Chuẩn bị chân guồng, cánh hoa, một thanh tròn

Sợi đũi sau khi được kéo và vắt thành nắm người ta mang ta guồng thành vun. Khi guồng phải guồng đều tay tránh để rối, guồng thành từng vun mỗi vun cách nhau khoảng 1-2cm, cân nặng từ 0,7-100g/1 vun sau đó mang phơi khô rồi tháo ra gim lại từng vun.

4.2. Vắt sợi.

Vắt sợi là quá trình vắt hết nước đối với các vun sợi sau khi nấu và đã được giặt sạch ( để hết hóa chất).

Có nhiều cách vắt sợi, nếu ít người ta vắt tay. Nếu nghiều người ta vắt bện (các vun sợi được xích lại thành một dây, hai đầu được cố định, sau đó ở giữa người thợ dùng thanh trục xoắn chặt để tách nước ra khỏi sợi.

4.3. Giật sợi.

Giật sợi là quá trình xử lý dãn thẳng các vun sợi sau khi nấu, tẩy, vắt bị co, rút.

Người ta mắc vun sợi (sau khi vắt) vào một trục, trục này được gắn cố định (trên thân cây, cột điện, trụ bê tông), sau đó người ta dùng một trục ( đoạn tre tròn, nhẵn) để giật cho thẳng, tơi vun sợi.

4.4. Phơi sợi.

Sau khi vun sợi đã được giật thắng, các vun sợi sẽ được đưa lên các sào tre để phơi khô trong tự nhiên.

4.5. Tha

Dùng tha để chuyển sợi từ vun thành các suốt sợi để dệt lên thành tấm, mắc sợi lên dụng có tên là Tha và quay đều chiều kim đồng hồ, sợi đũi dàn đều, thẳng trên mặt Tha từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới tạo thành các vòng tròn để thuận tiện cho các công đoạn sau. Mỗi mẻ đũi kéo xong người nghệ nhân mắc lên sào phơi dưới ánh nắng cho thơm và hết mùi hôi của kén.

Media/151_NamCao/FolderFunc/202307/Images/lang-nghe-20230706033956-e.jpg

4.6. Đánh ống

Chuẩn bị tha, vầy, chân quạng (dành cho mắc khung tay và đánh ống ngang. Mắc vun sợi vào vầy, tìm mối và đánh vào ống khi đánh ta phải quay đều tay tránh để rút sợi khó gỡ trong lúc đánh phải gỡ bỏ những phần gốc cũng như phần nhuộng đen mà người kéo đũi không để ý bị dính vào sợi, ria đều từ trên xuống dưới vỏ ống như cái hoa chuối để khi dạo ra suốt không bị truội và sui.

Đũi được đánh thành từng ống sợi to sau đó lại đánh thành từng suốt nhỏ để cho vào trong thoi của khung dệt. Kỹ thuật đánh ống giữ sợi đũi cho chặt, tay giữ sao cho đều lên ống, 2 nữa là cho chặt ống để người ta đánh ra suốt không bị tuột, không sổ ra, nếu rối không gỡ được và sẽ mất nguyên liệu.

4.7. Xe sợi

Đánh ống đũi, đánh ống tơ sau đó mang hai sợi chập vào một mang đưa lên bàn xe để xe sợi.

4.8. Đánh suốt

Sau khi xe sợi xong đánh các sợi thành ống rồi từ ống đánh ra suốt cho vào thoi dệt ( Công đoàn này có thể dùng bằng tha đánh suốt hoặc bằng mô tơ chế gọn đánh trực tiếp trên khung cửi.

4.8. Dệt

Đầu tiên chuẩn bị mắc cửi (sợi dọc) :

Sợi tơ hoặc đũi hoặc nái, tơ xe (một đến hai sợi tơ), nái xe. Sợi dọc được đánh vào các ống thông qua một dụng cụ là tha (hiện nay tha đánh sợi đã có sự hỗ trợ của máy móc).

Bàn mắc cửi: Các sợi dọc thông qua tha được cuốn vào các ống sợi (ống sợi được làm bằng tre, gỗ, giấy). Với số lượng sợi từ 200-6000 sợi, với chiều dài từ 100-1000m2 tùy theo từng loại mặt hàng và được cuốn vào trục dệt. Sau đó xuyên go, xuyên bìa hay còn gọi là lấy go, lấy bìa. Sau khi mắc cửi xong các sợi dựng được đưa lên khung cửi và được xuyên qua hoặc lấy qua go (go có thể dưới dạng 2 đến 4 lống hay còn gọi là lớp go). Sau đó các sợi lại được lấy xuyên bìa. Việc xuyên hoặc lấy sợi dựng qua go hoặc bìa người thợ dùng nan tre vót nhọn, mỏng có khấc để dễ dàng đưa sợi dựng qua các khe lỗ nhỏ của go và bìa.

Trước đây việc mắc cửi lấy go lấy bìa phải chọn rất công phu, tỷ mỉ, kỹ càng như chọn ngày tốt, chọn người có vía may để tham gia công đoạn này, người dân Nam Cao còn quan niệm rằng người nào đến chơi vào ngày mà gia đình đang lấy go, lấy bìa thì người đó sẽ gặp may mắn.

Dệt: Khi dệt phải cẩn thận, nếu đứt sợi dựng phải lần sợi ngang ra rồi mới để nối tránh mất chân gây rũng tấm, xấu tấm. Khi dệt phải dệt thật đều tránh chỗ dày, chỗ mỏng phải lựa sợi to dệt với sợi to, sợi nhỏ dệt với sợi nhỏ, dệt xong tháo tấm phải đo, kiểm tra lại thật kỹ loại bỏ những phần gốc, mối còn sót lại trong lúc dệt, cũng như lúc đánh suốt.

Các sản phẩm dệt đũi ở Nam Cao chủ yếu sử dụng khung dệt thủ công. Mỗi chiếc khung dệt có tuổi đời hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi. Mỗi loại khung dệt sẽ dệt được các khổ với kích thước chiều ngang khác nhau.

Dệt đũi truyền thống đòi hỏi người nghệ nhân phải cẩn thận kiên trì, chăm chú. Thao tác dệt phải phối hợp nhịp nhàng chân và tay. Những hàng dệt được kiểm tra cẩn thận để đảm bảo đủ thoáng, mềm nhưng vẫn chắc chắn. Ngay khi phát hiện ra lỗi, khi đứt sợi, hoặc ống sợi hết người nghệ nhân phải nối sợi và tiếp tơ. Những tấm đũi mới dệt xong gọi là đũi mộc, chỉ có màu trắng ngà hay vàng mỡ gà của sợi tơ. Sau khoảng 2 đến 3 ngày dệt ống lụa dài được khoảng 45 đến 50m được tháo dỡ, mang đi nhuộm màu và may thành các sản phẩm. Để tạo ra 1 kg sợi đũi thô thì các nghệ nhân cần thu hoạch hơn 5000 con kén tằm và để làm ra một tấm đũi nặng 0,5 kg thì người ta cần thu hoạch từ 2000 – 3000 con kén tằm.

Trước đây sau khi dệt ra các sản phẩm tấm sợi người Nam Cao dùng phương pháp cán, dùng trục sắt hoặc trục gỗ có gia cố thêm trọng lượng để rà cán để tạo độ mịn cho các sản phẩm. Sau đó, với kích thước 1m người thợ đo để tạo nên các tấm sản phẩm có khổ ngang từ 30-1m2, dọc được chia đều thành khổ 1m tùy theo đơn đặt hàng mà người thời có thể nấu trắng sản phẩm.

Quy trình dệt đũi ở Nam Cao ngày nay đã được cải tiến bằng các máy móc thay thế sức người đạp bằng chân, quay bằng tay, nhưng vẫn duy trì kĩ thuật dệt theo các bước cơ bản của truyền thống.

Dệt đũi Nam Cao đang từng bước hiện đại hóa các khâu sản xuất. Trước đây, thợ dệt đũi phải làm đủ các công đoạn, nay đã chuyển sang chuyên môn hóa: hộ chuyên dệt, hộ chuyên nhuộm. Chính vì vậy, chất lượng sản phẩm được nâng cao, sản lượng lớn hơn. Nhiều mặt hàng mới ra đời, chất lượng, mẫu mã sản phẩm tiếp tục được nâng cao. 

4.9. Xả, tẩy, nhuộm màu, phơi khô

Tẩy trước kia nấu bằng nước gạo nay dùng oxy già, cinicat, xà phòng bánh để tiến hành luộc chín và tẩy trắng sản phẩm.

Nhuộm tùy theo yêu cầu khách hàng người thợ có thể tẩy trắng hoặc nhuộm màu. Quy trình nhuộm màu đũi được phân làm hai loại đó là: Nhuộm cả tấm và nhuộm sợi trước khi dệt.

Theo phương pháp thủ công, đũi mộc sẽ được ngâm trong nước trà, nước trầu không, nhựa cây. Rồi xả, nhuộm màu, phơi khô, nhuộm lại lần thứ hai để ra đúng màu sắc như ý muốn. Màu nhuộm được pha chế với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như: Hột rành rành (Gardenia augusta, tiếng Hán là Chi tử), lá bàng ( erminalia catappa, tiếng Hán là Lãm nhân thụ) than, gạch.

Màu thông dụng là màu đen (thâm) và màu nâu. Người ta nhuộm nâu bằng củ nâu. Củ nâu đem về, gọt vỏ xắt mỏng, giã cho chảy nhựa, đổ thêm nước mà nhuộm. Nhuộm vài nước thì được màu nâu non, nhiều nước thì có màu nâu già (nâu đậm). Các loại lụa nhuộm cho màu gụ nâu. Nhuộm bằng củ nâu vừa bền màu lại vừa chắc sợi.

Ngâm nước bùn để có màu thâm. Màu tam giang là màu nâu tím. Người ta còn dùng cánh kiến (một loại sâu ở mạn Sơn La, Lai Châu) để nhuộm màu nâu đỏ. Có khi chuội (trong nước sôi) lụa mộc để lấy màu trắng. Trong miền Nam dùng trái mặc nưa để nhuộm lụa đen Cây cao vài ba thước. Lá nhỏ, hình thuẫn, xanh láng. Trái giống như trái olive, khi còn sống màu xanh, khi chín chuyển màu đen.

Ngày nay, kỹ thuật nhuộm hiện đại đem lại cho đũi những màu sắc đa dạng và rực rỡ hơn. Nhưng dù sao trong sâu thẳm tâm hồn người dân Việt, những màu sắc mộc mạc thiên nhiên vẫn được ưu ái quay về tìm kiếm.

4.10. Cắt may các sản phẩm

Tùy từng loại sản phẩm khác nhau người nghệ nhân đo và cắt các kích thước phù hợp. Các công đoạn sản xuất phần lớn là thủ công nên để cho ra những sản phẩm đũi Nam Cao chất lượng tốt nhất không chỉ tốn rất nhiều thời gian công sức mà còn chứa đựng tâm huyết của mỗi người nghệ nhân trong từng tấm vải.

Trước đây, các sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân và sử dụng trong các lễ hội, sự kiện đặc biệt và xuất khẩu ra nước ngoài.

Thời kỳ hưng thịnh nhất mỗi năm làng nghề tiêu thụ hàng triệu mét. Nghề dệt đũi đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.

* Sản phẩm:

Các sản phẩm chủ yếu là khăn mặt, vải lụa đũi, khăn quàng cổ, khăn tơ tằm, các sản phẩm thời trang và đồ bọc nội thất, rèm trang trí, ga, gối….

Sản phẩm đũi Nam Cao có những đặc tính rất độc đáo, trông có vẻ dầy nhưng thật ra rất thông thoáng, mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, mềm mại nhưng bền, dễ tẩy trắng, giặt sạch và mau khô, không bắt lửa...đã làm hài lòng chẳng những người Việt mà còn chinh phục được cả khách hàng nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó đặc biệt khách hàng Nhật Bản và châu Âu. Hiện nay 80% sản phẩm xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á, còn lại 20% bán tại thị trường trong nước.

Với 100% sản phẩm đũi đều được dệt từ tơ trong cùng của kén tằm, phơi thô, cũng dày và bền như nái. Nhưng mềm và mịn hơn. Đũi nguyên thủy óng màu vàng chín của kén tằm. Đũi thì có loại trơn, loại hoa và đũi thọ hỉ. Đũi mộc mạc, thoáng, mát mùa hè, ấm áp mùa đông, dùng may quần áo. Các sản phẩm đũi đều được dệt thủ công, nhuộm bằng những màu thiên nhiên đạt chuẩn hữu cơ như màu đỏ của gấc, màu tím của nếp cẩm, màu xanh của lá cây, màu vàng nguyên bản từ kén tằm, màu nâu từ lá bàng...

Đũi Nam Cao trước đây chủ yếu chỉ có màu trắng ngà hoặc nhuộn màu nâu đất, chưa đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã. Đây cũng là yếu tố đũi Nam Cao khó cạnh tranh với hàng may mặc của Trung Quốc, Thái Lan trong thời đại kinh tế thị trường. Các sản phẩm đũi đều được dệt thủ công, nhuộm bằng những màu thiên nhiên đạt chuẩn hữu cơ như màu đỏ của gấc, màu tím của nếp cẩm, màu xanh của lá cây, màu vàng nguyên bản từ kén tằm, màu nâu từ lá bàng...

Ngày nay Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao đưa ra chiến lược phát triển chinh phục khách hàng bằng những giá trị chất và thật. Những cuốn vải thô mộc sẽ được đưa lên Hà Nội để gia công tinh xảo thành áo dài, khăn tay, quần áo, phụ kiện, nội thất chăn, ga, gối lụa thêu tay và đặc biệt là dòng sản phẩm khăm mặt, khăn tắm tự nhiên 100%  tơ tằm....và xa hơn nữa đũi Nam Cao tiếp tục lên máy bay đi sang trời Tây.

 

Tin liên quan